Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển mạnh mẽ về TDTT đối với sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ thể dục thể thao đến năm 2020” được ban bành, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò của TDTT. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác TDTT nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 08-NQ/TW.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về công tác TDTT trong tình hình mới được nâng cao
Nội dung phát triển TDTT đã được đưa vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vận động, thu hút toàn dân tham gia rèn luyện TDTT gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển TDTT gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020; xác định TDTT là một trong những hình thức, biện pháp hữu hiệu để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hoá mới góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học được coi trọng
Nội dung, phương pháp giảng dạy luôn được quan tâm, cải tiến phù hợp với điều kiện từng cấp học; duy trì thường xuyên việc tập thể dục giữa giờ; 90-95% học sinh các cấp đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể thao; một số trường có các hoạt động TDTT ngoại khóa được tổ chức với các môn như: Bóng đá nam, cờ vua, bơi lội, cầu lông, bóng bàn, bóng rổ; 100% giáo viên giáo dục thể chất ở các trường đạt chuẩn, được đào tạo đúng chuyên môn, có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên; 100% các phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng cấp huyện; 80% các trường Tiểu học, THCS, THPT tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng cấp trường. Đây là hoạt động đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh, đồng thời là dịp để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu thể thao cho địa phương và đánh giá chất lượng công tác giáo dục thể chất trong trường học.
Hoạt động TDTT quần chúng ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập
Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai đến từng địa bàn dân cư. Đến năm 2020, Thái Nguyên đã có 30,2% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, trong đó có 14,2% số đồng bào dân tộc và miền núi; 23,1% số gia đình luyện tập TDTT, trong đó có 7,7% số đồng bào dân tộc và miền núi; 100% xã, phường, thị trấn, đơn vị có CLB hoặc điểm tập luyện TDTT; gần 1.900 câu lạc bộ TDTT cơ sở tăng gần 500 câu lạc bộ so với năm 2010; trên 1.300 hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT hoạt động thường xuyên ở các huyện, thành, thị trong tỉnh và nhiều xã vùng cao, vùng sâu...; theo thống kê, hiện nay, trên 90% tổ dân phố, xóm trên toàn tỉnh đã xây dựng được các thiết chế văn hóa, thể thao và trở thành nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ TDTT cơ sở đáp ứng nhu cầu luyện tập TDTT của người dân.
Mục tiêu phát triển các môn thể thao trọng điểm, thể thao thành tích cao được chú trọng.
Giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh đã đăng cai tổ chức tổ chức 44 giải thể thao toàn quốc với 9.219 vận động viên tham gia; tổ chức 188 giải thể thao cấp tỉnh với 54.296 vận động viên tham gia; thi đấu các giải thể thao toàn quốc, quốc tế đạt 3.626 huy chương các loại; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quản lý vận động viên có nhiều đổi mới, cải tiến các phương pháp tuyển chọn, đào tạo lực lượng vận động viên; đội ngũ huấn luyện viên được chuẩn hoá, 100% có trình độ đại học và sau đại học.
Bên cạnh những thành tích đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị còn bộc lộ một số hạn chế tồn tại. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác TDTT ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ; cán bộ chuyên trách về TDTT ở một số xã, phường, thị trấn chưa được đào tạo chuyên sâu, còn kiêm nhiệm; hệ thống thiết chế TDTT còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với phát triển các bộ môn thể thao thành tích cao; phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố, thị xã; chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho TDTT
Để khắc phục những hạn chế tồn tại, nhằm đẩy mạnh công tác TDTT theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, trong thời gian tới Thái Nguyên cần tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về công tác TDTT gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác TDTT.
. Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT; hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác TDTT các cấp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, giáo viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT các cấp; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các liên đoàn, hội thể thao.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động TDTT quần chúng thông qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh. Phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động TDTT.
Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp TDTT; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho hoạt động TDTT; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho thiết chế TDTT vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; phấn đấu xây dựng các thiết chế TDTT cấp tỉnh đủ điều kiện để đăng cai các giải thể thao trong nước và quốc tế.
Năm là, đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học, bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện, làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao; tích cực phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang; duy trì và củng cố hệ thống tổ chức thi đấu các giải thể thao, hội thi thể thao từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
Sáu là, đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao phục vụ tuyển chọn, đào tạo vận động viên, tập luyện TDTT phù hợp với đặc điểm thể chất con người Thái Nguyên gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bẩy là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết tại các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.