Ở nước ta, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là các vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn; không ngừng nâng cao đời sống của người dân, ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW). Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, cấp uỷ đảng của các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đảm bảo kịp thời, nghiêm túc. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình, đề án... để thể chế hóa, cụ thể hoá Nghị quyết số 26-NQ/TW như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025; Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND ngày 12/8/2016 và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020; Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020; Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020; Đề án mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2019 – 2025; Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc, nhận thức của cán bộ và nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nâng lên, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và kết cấu hạ tầng nông thôn có sự phát triển rõ nét. Tổng giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 đạt 8.117 tỷ đồng; giá trị sản phẩm/01 ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 110 triệu đồng/ha (tăng 66 triệu đồng so với năm 2008); tỷ lệ che phủ rừng là 47,6%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95% (tăng 27% so với năm 2008); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 42,49 triệu đồng/người/năm, (tăng gấp 5 lần so với năm 2008)…
Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu quả hơn
Cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển từ tăng trưởng dựa vào số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế về sản xuất và thị trường tiêu thụ. Giảm tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp từ 95,9% năm 2008 xuống 94,35% năm 2020; tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp từ 2,01% (năm 2008) lên 3,06% (năm 2020); tỷ trọng ngành thủy sản tăng từ 2,04% năm 2008 lên 2,59% năm 2020. Trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp cũng đã có sự chuyển dịch rõ rệt: Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt giảm từ 63,6% năm 2008 xuống 48% năm 2020; chăn nuôi tăng từ 30,7% năm 2008 lên 45,8% năm 2020; dịch vụ nông nghiệp, tăng từ 5,7% năm 2008 lên 6,2% năm 2020.
Hình thành một số vùng sản xuất tập trung, đặc sản, sản xuất an toàn, VietGAP, hữu cơ, hiệu quả kinh tế cao như: Cánh đồng một giống tại huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên; nếp Thầu Dầu Phú Bình, nếp Vải Phú Lương, gạo Bao Thai Định Hóa, khoảng 2.720 ha; chè Tân Cương (TP Thái Nguyên), Minh Lập (huyện Đồng Hỷ), La Bằng, Tân Linh (huyện Đại Từ), Tức Tranh, Vô Tranh (huyện Phú Lương), khoảng 6.200 ha; vùng sản xuất rau tại các huyện Phú Bình, Đại Từ, Phú Lương, thị xã Phổ Yên và TP. Thái Nguyên, khoảng 1.216 ha; vùng na tại các xã La Hiên, Tràng Xã, Phú Thượng (huyện Võ Nhai), khoảng 450 ha; nhãn tại các xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên), Quân Chu (huyện Đại Từ), khoảng 500 ha; bưởi tại xã Tiên Hội (huyện Đại Từ), xã Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao (huyện Võ Nhai), khoảng 500 ha…

Sản xuất chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô trang trại, hợp tác xã, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ với 738 trang trại chăn nuôi. Tỷ trọng đàn lợn, gia cầm tăng nhanh. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 5.975 ha, tăng 1.382 ha so với năm 2008. Giá trị sản xuất ngành thủy sản giai đoạn 2008 - 2020 tăng bình quân 9,2%/năm, năm 2020 đạt 483,8 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010).
Trồng rừng mới được 80.735 ha, 80% diện tích rừng được trồng bằng giống keo tai tượng Australia có năng suất, chất lượng cao. Năng suất rừng trồng bình quân đạt 70 m3/ha, tổng sản lượng khai thác gỗ rừng trồng giai đoạn 2008-2020 đạt 1.672.357 m3 cung cấp nguyên liệu cho chế biến lâm sản trong và ngoài tỉnh.
Kinh tế tập thể được quan tâm phát triển. Số tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng cả về chất lượng và số lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 400 hợp tác xã nông nghiệp; 215 tổ hợp tác nông nghiệp và 761 trang trại.
Toàn tỉnh có 76 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 - 5 sao. Ngoài các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Thái Nguyên có 01 sản phẩm Làng văn hóa du lịch được xếp hạng 4 sao. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP nâng từ 20% trở lên.
Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhất là khu vực nông thôn, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, cải thiện hệ thống y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội đã góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,82%; tính riêng khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,71%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,01%, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 42,49 triệu đồng/người/năm. Đã xóa được toàn bộ các phòng học tạm trên địa bàn tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc, miền núi học tập. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 71,38%.
Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 102/137 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; về đích sớm trước 01 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020; bình quân đạt 17,6 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Có 03/09 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Thái Nguyên và TP. Sông Công và thị xã Phổ Yên), huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 56 xóm được công nhận đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu. Tại Hội nghị tổng kết (5 năm và 10 năm) Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Thái Nguyên được Trung ương đánh giá dẫn đầu 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được chú trọng. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong nông thôn ngày càng được củng cố và giữ vững ổn định.
Trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất quan trọng, trụ đỡ của nền kinh tế; để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách đồng bộ cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, đó là: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, bảo đảm hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; đổi mới tư duy “từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí khu vực nông thôn; phát huy cao nội lực, đồng thời tăng mạnh đầu tư của Nhà nước và xã hội; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn nhất là thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với kinh tế số, chuyển đổi số.