Ban Nội chính Tỉnh ủy sinh hoạt chuyên đề “Tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực”

Thực hiện Kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ngày 13/9/2022, Chi bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức sinh hoạt chuyên đề  Quý III/2022 “Tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực”. Tổng hợp kết quả như sau:

Nhận thức sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Quán triệt, nghiên cứu Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và  Báo cáo số 06-BC/TW, ngày 23/7/2022 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (giai đoạn 2012-2022) và một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Cán bộ, đảng viên Chi bộ Ban Nội chính Tỉnh uỷ nhận thức sâu sắc hơn nữa quyết tâm chính trị của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC). Công tác PCTN, TC phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực; cả khu vực công và khu vực tư, cả Trung ương và địa phương nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực nhạy cảm, hoạt động khép kín, chuyên môn sâu; những lĩnh vực, địa bàn có nhiều dư luận, phản ánh, kiến nghị, tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tiếp tục đẩy mạnh phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh. Qua xử lý các vụ án, vụ việc, các cơ quan chức năng cần chú trọng phát hiện những sơ hở, bất cập để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Nâng cao vai trò của Ban Nội chính Tỉnh ủy trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực

Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng; Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Theo Quyết định số 1066-QĐ/TU ngày 16/6/2022 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên, Ban Nội chính Tỉnh ủy là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Thái Nguyên, có trách nhiệm: giúp Ban Chỉ đạo dự thảo các chương trình làm việc, kế hoạch công tác trình Ban Chỉ đạo quyết định, đồng thời giúp Ban Chỉ đạo hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp, kéo dài; tổng hợp báo cáo đột xuất, định kỳ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với Trưởng Ban, Phó trưởng Ban, các uỷ viên và Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo; đảm bảo cho Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả.

Ảnh: Phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên

Bám sát chức năng, nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên Chi bộ Ban Nội chính Tỉnh uỷ đã chủ động, tích cực nghiên cứu, đề xuất Lãnh đạo Ban tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 23/3/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, giai đoạn 2021-2025”; tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện các đề án về công tác xây dựng đảng của Đảng bộ tỉnh, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 ban hành Kế hoạch số 09-KH/BCĐ ngày 10/3/2022 về Kế hoạch thi đua chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025”; chủ trì Đoàn kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” và Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực . Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 27/4/2022. Chủ trì tiến hành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo đúng tiến độ, nội dung tại Quyết định số 1044-QĐ/TU ngày 16/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuyển 02 vụ án đang thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo sang Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước…

Qua thực tiễn công tác, Chi bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên rút ra một số vấn đề có thể được coi là bài học kinh nghiệm trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực như sau:

Một là, làm tốt công tác nắm địa bàn, lĩnh vực theo hướng trọng tâm, hướng về cơ sở, sâu sát với Nhân dân. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan; phân công rõ trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên trong việc nắm tình hình, khai thác thông tin và đơn thư tố cáo về các lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc được dư luận quan tâm để phát hiện, đề xuất các vụ việc cần chỉ đạo xử lý.

Hai là, chủ động phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trong việc tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát và tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát (về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực); chú trọng kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với những lĩnh vực nhạy cảm, hoạt động khép kín, chuyên môn sâu; những lĩnh vực, địa bàn có nhiều dư luận, phản ánh, kiến nghị, tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, trong quá trình kiểm tra, giám sát, xác định rõ vai trò“Chủ trì” của Ban Nội chính Tỉnh uỷ để kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ có trình độ, trách nhiệm, có năng lực tham mưu, phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân thành viên đoàn, xác định rõ thời gian hoàn thành việc nghiên cứu tài liệu; tranh thủ ý kiến của các tổ chức, cá nhân có chuyên môn sâu về các lĩnh vực như: tài chính, xây dựng cơ bản, giao thông, tài nguyên...để đề xuất với cấp ủy giải pháp tối ưu chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Phòng Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng,

Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Nguyên