Phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng

Thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên đề của năm 2023, ngày 14/04/2023, Chi bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề Phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đại diện Tổ đảng Phòng Theo dõi công tác phòng chống tham nhũng báo cáo chuyên đề theo sự phân công, nêu bật tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong việc coi trọng, đề cao nhân dân; quan điểm của Đảng và các giải pháp để tăng cường vai trò của Nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kết thúc buổi sinh hoạt, đã làm rõ thêm một số vấn đề, cụ thể:

Một là, tôn trọng nhân dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng, những người “không quan trọng” để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác. Nhân dân là lực lượng vô cùng đông đảo và có sức mạnh to lớn giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc tham nhũng. Để  phát huy được vai trò của các tầng lớn nhân dân trong phòng, chống tham nhũng cần quán triệt nguyên tắc “Dân là gốc”, dựa vào Nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân trong việc tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Hai là, quan điểm của Đảng “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng, cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập, đồng thời chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển”. 

Ba là, Một số giải pháp tăng cường vai trò của Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Thể chế hoá quyền giám sát của Nhân dân thành quy định pháp luật với cơ chế, quy trình, phương thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuyên truyền để Nhân dân nhận diện rõ và có thái độ đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng đối với hành vi tham nhũng. Đề cao vai trò giám sát của Nhân dân, nhất là giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nêu gương, kê khai tài sản, thu nhập, các biểu hiện suy thoái, biến chất, quan liêu, tham nhũng của cán bộ, công chức, đảng viên. Thực hiện tốt việc bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng, không để xảy ra tình trạng người tố cáo bị trù dập, trả thù, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường, lợi ích vật chất, tinh thần của người tố cáo và người thân của họ. Đồng thời có hình thức khen thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần cho người có công trong việc tố cáo tham nhũng. Đối với cán bộ, đảng viên của Chi bộ Ban Nội chính Tỉnh uỷ, cần tăng cường nắm tình hình tại cơ sở, thực hiện tốt công tác dân vận, vận động Nhân dân phản ánh, tố cáo về các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức để kịp thời tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trên các phương tiện thông tin để Nhân dân biết. Thông qua kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng góp phần tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng.

 

Chi bộ Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Nguyên