Ngày 13/8, đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2024 và xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng năm 2025 của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên.
Dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và Sở Nội vụ; Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh; đại diện Thường trực cấp uỷ, lãnh đạo ban tổ chức, ban tuyên giáo, trung tâm chính trị các huyện, thành phố.
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không ngừng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc đổi mới. Đội ngũ giảng viên không ngừng được củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới, gắn với thực tiễn. Trong 8 tháng năm 2024, Nhà trường đã tổ chức được 41 lớp, trong đó có 18 lớp của năm 2023 chuyển sang, mở mới 15/23 lớp (đạt 65% kế hoạch năm). Hiện nay, tỷ lệ giảng viên trong tổng số cán bộ viên chức Nhà trường đạt 91,9%; đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có 02 tiến sĩ, 29 thạc sĩ và 15 giảng viên chính…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường còn gặp một số khó khăn như: Nhà trường đang tiếp tục phải thực hiện tinh giản biên chế, xây dựng khung năng lực, vị trí việc làm theo yêu cầu của tỉnh, của Trung ương; nhiều giảng viên đang theo học các loại hình đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chí chuẩn về đội ngũ. Việc chiêu sinh, tổ chức một số lớp hệ tập trung còn hạn chế do yếu tố khách quan…
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vũ Duy Hoàng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được về công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh thời gian qua. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau: Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, liên tục cập nhật những kiến thức mới, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường phương pháp đào tạo tích cực, tạo điều kiện cho học viên được thảo luận, trao đổi kinh nghiệm. Áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ học tập, kiểm tra, khảo sát; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tạo điều kiện để giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, sáng tạo, các phương pháp giảng dạy mới, chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương; xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả đào tạo một cách khách quan, toàn diện. Sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh, hoàn thiện chương trình đào tạo; tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, tập trung vào các vấn đề cụ thể mà thực tiễn yêu cầu.
Đồng chí cũng đề nghị cấp uỷ các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, đảng viên tham gia học tập, nghiên cứu; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị từ công tác xây dựng kế hoạch, đến công tác triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo quá trình triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất...
Lưu Đường Tăng
(Nguồn: https://thainguyen.dcs.vn/)