Công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

 Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh chủ đề phải “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; đây là yêu cầu mới, lớn hơn và toàn diện hơn so với Đại hội XII. Để đáp ứng được yêu cầu này, đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung cũng như chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát phải được nâng lên, công tác kiểm tra chấp hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải được chú trọng thường xuyên.

Đại hội cũng nhận định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, UBKT các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”.
Trong nhiệm kỳ XII công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng đã có chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác xây dựng Đảng và sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.201 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên, trong đó có 272.556 đồng chí là cấp ủy viên các cấp (tăng 8,42% tổ chức đảng, 4,83% đảng viên, 19% cấp ủy viên so với nhiệm kỳ Đại hội XI).
Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập 36 đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn, kiểm tra 110 tổ chức đảng (tăng 59% so với nhiệm kỳ XI). Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý…

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo
tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022
của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên (Ảnh: Báo Thái Nguyên điện tử)

Đối với đảng viên, tập trung vào việc kiểm tra chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; đoàn kết nội bộ, chấp hành quy chế làm việc; việc triển khai, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của các địa phương; chương trình xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, thực hiện chính sách an sinh xã hội; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Qua kiểm tra đã kết luận 2.727 tổ chức đảng và 6.179 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên.
Công tác giám sát cũng được cấp ủy, UBKT các cấp chú trọng với phương châm “giám sát phải mở rộng” trên các lĩnh vực của đời sống qua đó kịp thời động viên, nhắc nhở, uốn nắn những nơi có thiếu sót, khuyết điểm, nhằm phòng ngừa không để vi phạm xảy ra. Cấp ủy các cấp đã giám sát chuyên đề được 193.993 tổ chức đảng và 258.652 đảng viên.
Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong nhiệm kỳ, UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên; qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật 23.432 đảng viên là cấp ủy viên. Nội dung vi phạm chủ yếu là những điều đảng viên không được làm, nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống; vi phạm về công tác cán bộ, đất đai, tài nguyên, khoáng sản…
Giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại được chú trọng và thực hiện kịp thời, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, khắc phục cơ bản tình trạng để kéo dài các đơn thư tố cáo, khiếu nại. UBKT các cấp đã nhận được 104.419 đơn, thư tố cáo, phản ánh tổ chức đảng, đảng viên, trong đó thuộc thẩm quyền phải giải quyết là 319 đơn tố cáo đối với tổ chức và 8.477 đơn tố cáo đối với đảng viên. Đã giải quyết tố cáo đối với 139 tổ chức đảng và 8441 đảng viên; qua giải quyết tố cáo phải thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 1.606 đảng viên.
Tuy nhiên, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng như: Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời; trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu giúp việc các cấp chưa thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực chất, phạm vi, đối tượng còn hẹp; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế. Việc thi hành kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là: Nhận thức của một số cấp ủy, người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ, vẫn còn xem đó chỉ là công việc riêng của UBKT nên thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Một số văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước ban hành còn chậm, chưa đồng bộ, còn có điểm mâu thuẫn, khó thực hiện trong thực tiễn. Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp chủ yếu tham mưu giúp cấp ủy về lĩnh vực kinh tế và xây dựng Đảng; ít tham mưu giúp cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Việc phối hợp giữa UBKT với các ban xây dựng Đảng, các cơ quan chức năng có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở không ít nơi chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của UBKT và cơ quan UBKT còn nhiều bất cập.
Để góp phần xây dựng Đảng mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”. Xuất phát từ những vấn đề đó, cấp ủy và UBKT các cấp cần nhận thức đúng, đầy đủ và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát cũng như đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát trong điều kiện một đảng cầm quyền. Đổi mới phương pháp kiểm tra của Đảng thích ứng với xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế và trong bối cảnh có nhiều vi phạm của đảng viên, của các tổ chức đảng ngày càng phức tạp, tinh vi. Các cấp ủy đảng cần coi trọng công tác dự báo tình hình vi phạm từ đó mà chủ động có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả.
Cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò, vị trí của nhiệm vụ giám sát và nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Coi trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin để phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và hoạt động của UBKT các cấp.
Hai là, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải nắm vững quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Chú trọng học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quan tâm đúng mức các nội dung về công tác kiểm tra của Đảng, góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT, cán bộ, đảng viên và sự giám sát của nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để tạo chuyển biến thật sự trong nhận thức và hành động, bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát phục vụ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết của các cấp ủy đảng.
Ba là, UBKT các cấp chủ động thực hiện và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả chương trình hành động, phương hướng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm. Phải coi trọng khâu nắm tình hình giám sát hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế của Nhà nước để chủ động ngăn ngừa, phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha, chớm phát sinh vi phạm, không để vi phạm từ một người thành nhiều người, từ ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng.
Chú trọng kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của UBKT các cấp, tập trung vào các vấn đề quan trọng và bức thiết như: Quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân sách, thuế, hải quan, các chương trình an sinh xã hội, cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.
Xử lý nghiêm minh tổ chức đảng và đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, nghị quyết, chỉ thị quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những hành vi dung túng, bao che cho khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Công khai các kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định.
Quy định số 01-QĐi/TW, ngày 10-5-2018 của Bộ Chính trị khóa XII quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, thực hiện Kết luận số 115-KL/TW, ngày 10-8-2015 của Ban Bí thư về thực hiện thu hồi, xử lý, quản lý, sử dụng tiền vi phạm qua kiểm tra của cấp ủy và UBKT các cấp. Do vậy, UBKT Trung ương cần phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành quy định về thẩm quyền của cấp ủy, UBKT trong việc quyết định thu hồi tiền vi phạm qua kiểm tra đã kết luận.
Bốn là, tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Trong năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy chế làm việc của UBKT Trung ương; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 9/12/2021 về thực hiện Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.  UBKT Trung ương cũng đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, ngày 29/11/2021 thực hiện Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Cụ thể hóa nguyên tắc về phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong Đảng và trong hệ thống chính trị, tránh bị chồng chéo.
Tiếp tục tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kiện toàn UBKT, tổ chức bộ máy và cán bộ kiểm tra cho tương xứng, ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao chất lượng quy hoạch, nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị, có tính chiến đấu cao và có đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có chính sách thu hút nhân tài về làm công tác kiểm tra của Đảng.
Xây dựng quy hoạch thành viên UBKT các cấp khóa XIII để bảo đảm tính kế thừa của cán bộ. Tổng kết việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về làm công tác kiểm tra theo Thông báo Kết luận số 312-TB/TW ngày 09-3-2010 của Bộ Chính trị. Phối hợp chặt chẽ với Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo trình độ đại học và sau đại học về chuyên ngành công tác kiểm tra. Nâng cao chất lượng tài liệu tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát.
Năm là, công tác nghiên cứu phải làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra. Chú trọng tổng kết công tác thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để đề xuất bổ sung, phát triển các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Nghiên cứu về tính độc lập tương đối của UBKT các cấp đối với cấp ủy; việc tăng thẩm quyền kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng cho UBKT các cấp; việc kiểm tra, giám sát người đứng đầu để phòng, chống việc tha hóa quyền lực trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền./.

Nguồn:thainguyen.dcs.vn


Tin tức nổi bật