Công tác đối ngoại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên

Trong những năm qua, công tác đối ngoại của tỉnh Thái Nguyên được triển khai tích cực, chủ động và thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn; các hoạt động đối ngoại được triển khai toàn diện trên cả ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Qua đó thu được những kết quả quan trọng trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp bà Mélanie Joly, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada cùng thành viên Đoàn công tác thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Công tác đối ngoại Đảng và hoạt động ngoại giao chính quyền

Tăng cường công tác đối ngoại Đảng và hoạt động ngoại giao chính quyền thông qua các hoạt động trao đổi đoàn; thiết lập và triển khai quan hệ hữu nghị với các địa phương, tổ chức nước ngoài qua việc ký kết thực hiện các thỏa thuận, văn bản hợp tác quốc tế… Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh ký kết và triển khai hiệu quả các văn bản hợp tác quốc tế với nhiều cơ quan, địa phương, tổ chức nước ngoài. Hoạt động hợp tác cấp huyện giữa các địa phương thuộc tỉnh Thái Nguyên với các địa phương của Hàn Quốc được triển khai mạnh mẽ và tiến tới ký kết, thiết lập quan hệ hợp tác giữa chính quyền cấp huyện tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh Gyeongsangbuk-do (TP. Phổ Yên và huyện Chilgok; huyện Phú Lương và huyện YeongYang); UBND huyện Đồng Hỷ và TP. Gwangyang, tỉnh Jeonnam).

Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục củng cố, tăng cường và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh với các địa phương nước ngoài đã thiết lập quan hệ hợp tác: Tỉnh Gyeongsangbuk-do, Hàn Quốc; tỉnh Luông Pha Băng, CHDCND Lào; TP. Linkoping, Thụy Điển; chủ động kết nối, xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và địa phương nước ngoài khác: TP. Poitiers, Cộng hòa Pháp; tỉnh Lower Silesia, Cộng hòa Ba Lan; tỉnh Udon Thani, Vương quốc Thái Lan; tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tích cực duy trì, tăng cường mối quan hệ mật thiết với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận đầu tư thêm 920 triệu USD cho lãnh đạo Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Giữa khó khăn do tác động của dịch COVID-19, nhưng Thái Nguyên vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư. Khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Thái Nguyên, chiếm 98% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế đã góp phần tạo lợi ích đan xen, làm sâu sắc quan hệ giữa Thái Nguyên với các đối tác, đặc biệt các đối tác chiến lược quan trọng đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Áo, Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan... Với quyết tâm xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường tốt nhất, tỉnh đã quy tụ được nhiều nhà đầu tư lớn. Đáng chú ý, việc Tập đoàn Samsung chọn đặt trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới của hãng tại tại Khu Công nghiệp Yên Bình đã kéo theo sự hình thành phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hỗ trợ nhóm ngành điện tử. Đã có 150 dự án sản xuất hỗ trợ nhỏ và vừa đầu tư vào tỉnh, tạo thành chuỗi dự án phụ trợ, dần lấp đầy các Khu Công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công... Sau Samsung, Thái Nguyên ngày càng bứt phá, trở thành điểm đến an toàn của các nhà đầu tư lớn.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 05 dự án cấp mới với tổng số vốn là 320 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 14 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 1.209,2 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 172 dự án còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt gần 10,3 tỷ USD. Các dự án FDI đi vào hoạt động giúp tỉnh không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu, tạo việc làm thu nhập cao cho nhiều lao động, mà còn tạo hiệu ứng, lan tỏa tới các nhà đầu tư khác tìm đến Thái Nguyên như một địa chỉ đầu tư tin cậy.

Đồng chí Sủn-thon Xay-nha-chắc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Bí thư BCH Đảng bộ Quốc hội Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Lào - Việt Nam thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Đối ngoại nhân dân được tăng cường

Thông qua các Hội hữu nghị của tỉnh, các hoạt động hữu nghị giữa Nhân dân Thái Nguyên và các nước tiếp tục được triển khai hiệu quả, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 59 tổ chức PCPNN có giấy phép hoạt động còn hiệu lực và mới bổ sung địa bàn hoạt động. Các dự án đang triển khai tại địa phương tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, phát triển nông thôn, chống biến đổi khí hậu. Giá trị giải ngân các dự án sử dụng nguồn viện trợ PCPNN năm 2022 ước đạt 1,3 triệu USD.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, với sự nỗ lực, đồng tâm hiệp sức của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, Thái Nguyên đang khoác lên mình một tấm áo mới trên hành trình trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp, thương mại và dịch vụ của cả nước, tiếp tục là tâm điểm đón sóng đầu tư trong thời gian tới. Hòa chung tâm thế mới của đất nước, Thái Nguyên đã bước vào hành trình mới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai thực hiện tốt công tác lập quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm 2021-2025; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư để tạo đà bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 8% giai đoạn 2021-2025.


Nguồn: thainguyen.gov.vn


Tin tức nổi bật