Đại Từ là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Trải qua quá trình lịch sử, nhân dân Đại Từ đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Năm 1410, Đại Từ là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược của nghĩa quân Áo Đỏ, từ đây, cuộc khởi nghĩa lan rộng ra vùng Việt Bắc, Tây Bắc, đến tận Thanh Hóa, Nghệ An. Năm 1416, Lưu Nhân Chú - người xã Thuận Thượng (nay là xã Văn Yên), tham gia Hội thề Lũng Nhai, Thanh Hóa rồi sau đó về Đại Từ cùng cha và em rể chiêu mộ người hiền tài, xây dựng lực lượng, luyện quân ở núi Quần Ngựa. Khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, Lưu Nhân Chú đem quân hưởng ứng, ông là một danh tướng góp công lớn vào những trận đánh quan trọng như Tây Đô, Chi Lăng, Cần Trạm, Xương Giang. Lưu Nhân Chú được nhà Lê ban quốc tính, phong Thượng tướng quân, Tư không nhập nội. Tên tuổi của ông lưu danh sử sách, là niềm tự hào của quê hương Đại Từ và của tỉnh Thái Nguyên.
Khi thực dân Pháp xâm lược, đô hộ nước ta, nhân dân Đại Từ tích cực tham gia các cuộc khởi nghĩa chống xâm lược. Cuối năm 1892, Cai Bát đã chỉ huy binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng tại huyện lỵ Hùng Sơn nổi dậy chiếm đồn. Cuộc khởi nghĩa được đông đảo nhân dân trong vùng hưởng ứng, ông đã duy trì được các hoạt động chống thực dân Pháp trong 4 năm (1892-1896). Nhân dân Đại Từ cũng tích cực giúp đỡ và ủng hộ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân Đội Cấn khi các ông triển khai các hoạt động chống Pháp trên vùng đất này. Đại Từ là nơi diễn ra nhiều trận đánh của nghĩa quân Đội Cấn sau khi rút khỏi thị xã Thái Nguyên và ông hi sinh vào tháng 1/1918 trong trận đánh tại Núi Pháo.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Đại Từ một lòng theo Đảng, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc. Cuối năm 1936, tại xã La Bằng, cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được thành lập rồi từ đó phát triển ra nhiều châu, huyện trong tỉnh. Tháng 4/1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã về chỉ đạo củng cố cơ sở cách mạng ở Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương. Cuối năm 1941, Trung đội Cứu quốc quân II ở Võ Nhai chuyển một hướng hoạt động sang Đại Từ, từ đây, phong trào cách mạng các xã phía bắc của huyện phát triển mạnh, nhiều đội tự vệ ra đời, trong đó Đội tự vệ Tam Đảo - Quân Chu, sau phát triển thành Đội du kích Cao Sơn rồi chuyển thành Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái có nhiều thành tích chống Nhật, tiêu biểu là trận đánh chiếm đồn Tam Đảo (Vĩnh Yên) ngày 17/7/1945. Tháng 2/1944, khi về kiểm tra phong trào cách mạng Thái Nguyên, Tuyên Quang, đồng chí Hoàng Quốc Việt triệu tập hội nghị tại Khuổi Kịch (Sơn Dương) quyết định chia Chiến khu Hoàng Hoa Thám thành 2 phân khu và thành lập Trung đội Cứu quốc quân III. Ngày 10/10/1944, tại xóm Khuôn Nanh, xã Yên Lãng, đồng chí Song Hào và đồng chí Chu Văn Tấn đã chủ trì cuộc họp quyết định chia Chiến khu Hoàng Hoa Thám thành 2 phân khu Nguyễn Huệ và Quang Trung, lấy sông Cầu làm ranh giới. Ngày 10/3/1945, tại đèo Khế, Cứu quốc quân có sự phối hợp của tự vệ Đại Từ đã phục kích, làm tan rã đạo quan quân Pháp rút chạy khỏi thị xã Thái Nguyên sang Tuyên Quang sau đảo chính của Nhật. Ngày 29/3/1945, huyện lỵ Đại Từ được giải phóng, nhưng đề phòng Nhật tấn công, quân ta rút về các xã phía Bắc. Tháng 4/1945, đồng chí Song Hào chủ trì hội nghị tại La Bằng quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời châu Giải Phóng (bí danh của huyện Đại Từ) do đồng chí Trung Thành làm Chủ tịch - đồng chí Trung Thành là 1 trong ba đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được bầu ngày 23/12/1945. Sau khi chiếm đóng thị xã Thái Nguyên, ngày 5/4/1945, Nhật đánh lên Đại Từ nhưng chỉ chiếm giữ được Huyện lỵ, mọi cuộc càn quét ra các xã đều bị Cứu quốc quân và du kích chặn đánh. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, theo thỏa thuận giữa ta và Nhật tại Hà Nội, quân Nhật giao nộp vũ khí cho ta, rút khỏi huyện lỵ Đại Từ về thị xã Thái Nguyên. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện được thành lập thay thế cho Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại Từ cùng các huyện Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên và một số huyện của Tuyên Quang, Bắc Cạn được chọn làm An toàn khu Trung ương. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, Quân đội đã ở và làm việc, nhiều cơ quan Trung ương đã đóng quân và tổ chức các hoạt động tại Đại Từ. Có thể kể ra các sự kiện tiêu biểu: Tháng 5/1947, tại xã Phú Minh, Bộ Tổng tham mưu triệu tập Hội nghị xây dựng lực lượng chủ lực của Bộ. Ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn diễn ra cuộc mít tinh công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc (từ tháng 7/1955 đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ). Trước đó, bà Bá Huy ở Lục Ba và ông Đặng Văn Ẩm ở Mỹ Yên đã góp công, của cùng nhân dân địa phương xây dựng An dưỡng đường để chăm sóc, chữa trị cho hàng trăm thương binh. Ngày 27/7/1947, Bác Hồ cũng có thư khen gửi bà Bá Huy. Cuối tháng 11, đầu tháng 12/1947, quân dân Đại Từ góp phần cùng bộ đội chủ lực đập tan cuộc hành binh Xanh tuya của thực dân Pháp tấn công lên Việt Bắc Thu - Đông 1947. Những năm 1949 - 1950, Hội Văn nghệ Việt Nam với nhiều văn nghệ sĩ như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân…đóng trụ sở làm việc tại Xóm Chòi, xã Mỹ Trạng (nay là xã Mỹ Yên). Ngày 4/4/1949, tại xã Tân Thái, Tổng bộ Việt Minh tổ chức Lễ khai giảng lớp đầu tiên của Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - ngôi trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và đặt tên. Ngày 15/7/1950, tại đồi Gò Thờ, xã Yên Lãng, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, tiền thân của Thanh niên xung phong Việt Nam được thành lập. Năm 1950, tại xã Phú Xuyên đã diễn ra Đại hội Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ Nhất (1/1950), Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc lần thứ Nhất (2/1950) và Đại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ Nhất (4/1950). Trước đó, tại xã Mỹ Yên, đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ Nhất vào tháng 8/1947 và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ hai vào tháng 6/1948.
Ngôi nhà sàn trên đồi Thành Trúc, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ - nơi Bác Hồ ở và làm việc
từ tháng 8 đến tháng 10/1954 trước khi về Thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10/1954, Bác Hồ cùng các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về Đại Từ ở, làm việc, lãnh đạo công tác chuẩn bị tiếp quản thủ đô Hà Nội. Bác ở tại ngôi nhà sàn trên đồi Thành Trúc, xã Hùng Cường (nay là xã Bản Ngoại). Ngày 1/9/1954, tại xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), Đại sứ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trình Quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 10/10/1954, Bác Hồ ra Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng và ngày 12/10/1954, Bác rời căn nhà sàn trên đồi Thành Trúc về Thủ đô Hà Nội.
Đại Từ cũng là địa bàn được Trung ương lựa chọn triển khai thí điểm nhiều chủ trương, chính sách lớn như: điều tra nông thôn năm 1952; giảm tô, cải cách ruộng đất năm 1953; sửa sai, chỉnh đốn tổ chức đảng và chính quyền trong giảm tô và cải cách ruộng đất năm 1958. Tỉnh ủy Thái Nguyên thí điểm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp những năm 1955-1956; vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ “Bốn tốt” năm 1962; triển khai “khoán 10” năm 1988.
Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đại Từ là nơi bố trí các trận địa phòng không đón đánh máy bay Mỹ ném bom thành phố và Khu Gang thép Thái Nguyên. Trưa ngày 1/8/1966, dân quân xã Hà Thượng đã dùng súng bộ binh bắn rơi một máy bay phản lực của Mỹ. Thời kỳ này, nhiều cơ quan trung ương và tỉnh Thái Nguyên đã sơ tán lên Đại Từ. Từ 1965 - 1969, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán tại các xã Văn Yên, Ký Phú, Vạn Thọ; nhiều sinh viên của Trường từng học tập, rẻn luyện dưới những cánh rừng Đại Từ ngày ấy sau này đã trở thành những lãnh đạo cao cấp của Đảng, những nhà khoa học nổi tiếng của đất nước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Từ đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng huyện Đại Từ phát triển toàn diện, những năm gần đây, sản lượng lương thực của huyện ổn định ở mức 70.000 tấn/năm, diện tích chè đứng đầu tỉnh với sản lượng trên 70.000 tấn búp tươi/năm, nhiều cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản hoạt động hiệu quả, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ nông thôn…được quan tâm xây dựng; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được nâng cao, 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, 21/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; quốc phòng - an ninh vững chắc.
Với những thành tích và đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, huyện Đại Từ được công nhận là vùng An toàn khu (ATK) của Trung ương, 27/30 xã, thị trấn của huyện được công nhận là xã ATK trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đại Từ cùng 12 xã, thị trấn trong huyện được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đại Từ được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Đại Từ hiện có 9 di tích lịch sử cấp quốc gia và 40 di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu “xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025”. Cùng với việc tập trung lãnh đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, các cấp ủy đảng trong huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, khơi dậy lòng tự hào và quyết tâm phấn đấu, tạo động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra./.