Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông được cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên quan tâm chỉ đạo quyết liệt và coi đây là một khâu đột phá để thu hút đầu tư. Chính nhờ đó, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến rõ nét. Hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại của tỉnh từng ngày được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương trong tỉnh và khu vực.
Thi công xây dựng tuyến đường liên kết kết nối vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc trên địa bàn huyện Đại Từ
Từ định hướng đầu tư có trọng điểm và “tầm nhìn” cho tương lai, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng. Đây là yếu tố được tỉnh xác định ưu tiên “đi trước đón đầu” để thu hút đầu tư, tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo của tỉnh. Có thể điểm qua một số dự án giao thông lớn đã và đang tiếp tục được tích cực triển khai trên địa bàn tỉnh để thấy được quyết tâm chính trị cũng như sự quyết liệt chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện các dự án giao thông, góp phần tạo đột phá thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc dài 42 km có tổng mức đầu tư 3.781 tỷ đồng là dự án giao thông quan trọng có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Dự án đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc nhằm mục tiêu kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang thông qua 5 tuyến đường cao tốc gồm: Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, Tuyên Quang - Phú Thọ. Sau khi hoàn thành, sẽ kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch hồ Núi Cốc, kết nối sang Khu du lịch ATK Định Hóa, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng khu vực sườn Đông Tam Đảo. Với quyết tâm hoàn thành tuyến đường trước kế hoạch, góp phần thu hút đầu tư, tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực cho công trình trọng điểm này. Để thực hiện mục tiêu về trước kế hoạch, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương nỗ lực thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, chỉ đạo chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi trong mùa hanh khô để đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Đồng chí Đặng Xuân Trường, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng thi công xây dựng đường liên kết kết nối vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc trên địa bàn TP. Phổ Yên
Dự án đường Vành đai 5 đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang), có chiều dài 6,68 km với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cũng là một trong những dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng, mang tính kết nối cao giữa Thái Nguyên với các tỉnh trong khu vực và Thủ đô Hà Nội. Dự án sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam của tỉnh, đặc biệt là một số xã, thị trấn của huyện Phú Bình. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (BQLDAGT) đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công Dự án. BQLDAGT tỉnh cũng đang phối hợp với huyện Phú Bình tiến hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại địa phận của 3 xã, thị trấn mà tuyến đường đi qua, phấn đấu sớm khởi công Dự án.
Một dự án khác, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch cho vùng ATK Định Hóa là Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa cũng đang được triển khai. Dự án có chiều dài toàn tuyến là 33,6 km, với tổng số vốn đầu tư 465 tỷ đồng. Hiện nay, BQLDAGT đang phối hợp với huyện Định Hóa triển khai giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công 3/5 gói thầu xây lắp với tổng chiều dài 12,4 km.
Ngoài ra, các dự án: Cải tạo, nâng cấp đường ĐT.261 đoạn từ Km1+00 đến Km20+00; cải tạo, nâng cấp đường ĐT.266 đoạn từ ngã tư Sông Công (giao Quốc lộ 3 cũ) đến ngã tư Điềm Thụy (giao Quốc lộ 37) và Dự án đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông - Tây khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo động lực, sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn các địa phương: Phổ Yên, Phú Bình, Đại Từ, Sông Công.
Đồng chí Đặng Xuân Trường, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đại Từ
Sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hiện công tác triển khai thi công các dự án gặp nhiều khó khăn do có sự sụt giảm về nguồn cung các loại vật liệu chính phục vụ thi công như đất đắp; đá xây dựng; cấp phối đá dăm; hoặc chịu sự biến động tăng giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu như xăng dầu, nhựa đường, cước vận tải… Tuy nhiên, với quyết tâm tạo đột phá thu hút đầu tư, tỉnh Thái Nguyên vẫn tập trung dành mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện, thi công các dự án trọng điểm, tạo động lực, sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án giao thông hướng ngoại, có ý nghĩa liên kết, kết nối vùng. Tại Phiên họp thứ 16 UBND tỉnh tổ chức ngày 14/11, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm, báo cáo tiến độ theo tuần; người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm đối với các nhiệm vụ chậm tiến độ, không hoàn thành.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo BQLDAGT tập trung hoàn thiện thủ tục các dự án chuẩn bị đầu tư, khởi công mới trong năm 2023. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Ban QLDAGT tỉnh cho biết: Hiện, BQLDAGT tỉnh đã trình các sở chuyên ngành thẩm định các dự án chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối ĐT.261 đến ĐT.266; Dự án tuyến đường kết nối Quốc lộ 37 và đường tỉnh ĐT.269B tỉnh Thái Nguyên. Sau khi được tỉnh phê duyệt dự án đủ điều kiện, sẽ khởi công dự án đúng thời hạn.
Toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 5.000 km đường bộ với trên 200 km quốc lộ và đường cao tốc thảm bê tông nhựa chất lượng tốt; hơn 1.300 km đường tỉnh, đường huyện được rải nhựa và trên 3.000 km đường xã, phường.
Nguồn: thainguyen.gov.vn