Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Giám sát đối với UBND tỉnh việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều ngày 18/4, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì Hội nghị giám sát đối với UBND tỉnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn (2021 - 2030).

Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Thái Hanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

 Toàn cảnh Hội nghị giám sát

Sau 2 năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng, cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các chương trình đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát hoàn thiện các văn bản quản lý điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Đến nay toàn tỉnh có 110/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 85,94%; 17 xã NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 15,5%; 04 xã NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 3,6%; có 88 xóm kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm trên 1%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 95,5%; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 8% số học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú. Về đầu tư hạ tầng cơ sở, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được trên 900 km đường giao thông; trên 80 km kênh mương thủy lợi và trên 150 công trình thủy lợi. Về nguồn lực thực hiện, trong 2 năm 2021 - 2022, đã huy động được trên 15 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM; đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là trên 2.300 tỷ đồng và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là trên 270 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc lồng ghép nguồn lực khó thực hiện, hiệu quả chưa cao; việc huy động nguồn lực xã hội, nội lực trong Nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư tiến độ triển khai còn chậm, kết quả giải ngân đạt thấp; một số nhiệm vụ, mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 652/QĐ-TTg, ngày 28/5/2022 chưa phù hợp với địa phương; một số nội dung thực hiện chưa có hướng dẫn kịp thời của Trung ương nên không có căn cứ triển khai; tốc độ xây dựng NTM còn chậm do các xã chưa đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2021 - 2025 đều có điều kiện kinh tế khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao…

Tại Hội nghị, Đoàn giám sát đã đề nghị địa phương trao đổi, làm rõ kết quả đạt được trên từng lĩnh vực; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là những vướng mắc liên quan đến việc chậm ban hành các hướng dẫn triển khai từ Trung ương; danh mục các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình; tiến độ phân bổ và giải ngân các nguồn vốn; việc lồng ghép các nguồn vốn để triển khai các chương trình…

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị với Đoàn giám sát một số nội dung: Đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ huyện Định Hóa phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2023; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bổ sung nguồn vốn cho tỉnh để thực hiện các chương trình chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình thí điểm trên địa bàn; các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các hướng dẫn liên quan…

Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh. Đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương rà soát lại các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh trong quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các chương trình hướng đến thực chất, có chiều sâu, phát triển bền vững. Kết quả chương trình giám sát tại Thái Nguyên sẽ được Đoàn tổng hợp để báo cáo phục vụ chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội.


Nguồn:thainguyen.gov.vn


Tin tức nổi bật