Tiếp tục chương trình khảo sát tại Thái Nguyên, chiều ngày 12/7, Đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội do Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm Trưởng Đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về tình hình thực hiện pháp luật phòng thủ dân sự ở địa phương.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Đặng Xuân Trường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đoàn Thị Hảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Đại tá Nguyễn Văn Đồng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định công tác phòng thủ dân sự là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, bám sát vào các văn bản pháp luật của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, phòng ngừa, ứng phó thiên tai, sự cố. Tỉnh đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thi hành chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự đến các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh; ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập Quỹ phòng chống thiên tai, quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ; thành lập các Ban Chỉ huy, Ban Chỉ đạo theo đúng hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương và ban hành quy chế hoạt động nhằm phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch diễn tập phòng thủ dân sự trong nhiệm kỳ theo đúng quy định; chỉ đạo 36 đơn vị thuộc các xã, phường, thị trấn diễn tập phòng chống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng. Đến nay, 178/178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai với tổng số gần 13.000 người; các công trình trọng điểm, xung yếu đê, kè, hồ đập được gia cố thường xuyên, bảo đảm khá tốt trước thiên tai; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân chấp hành tốt quy định của pháp luật về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, sự cố, cháy nổ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo thiên tai, sự cố được đẩy mạnh. Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng huy động trên 12.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân, công an tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng thủ dân sự, phòng ngừa, ứng phó thiên tai, sự cố trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Việc triển khai thực hiện một số nội dung còn chồng chéo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng còn thiếu về số lượng; chưa có chính sách phù hợp với lực lượng kiêm nhiệm trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn…
Đoàn khảo sát đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên làm rõ một số vấn đề như: Dự liệu các dạng thảm họa, rủi ro, sự cố; biện pháp phòng chống và cơ chế điều hành, xử lý của tỉnh đối với các cấp thảm họa thiên tai có thể xảy ra; vấn đề phân loại công trình phòng thủ dân sự; chế độ chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự…
Tại buổi khảo sát, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Xuân Trường đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sớm hoàn thiện dự thảo Luật Phòng thủ dân sự trình Quốc hội thông qua để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai; đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách để tỉnh Thái Nguyên thực hiện các nội dung nhiệm vụ phòng thủ dân sự gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tiếp theo.

Phát biểu tại buổi khảo sát, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Trưởng Đoàn khảo sát nhấn mạnh: Phòng thủ dân sự là hoạt động bao trùm các lĩnh vực đời sống xã hội, vì vậy vấn đề Đoàn quan tâm là mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo ra sao, cơ chế chỉ huy, phối hợp như thế nào để vừa phát huy hiệu quả đồng bộ, vừa tránh chồng chéo. Đồng chí ghi nhận kết quả trong công tác tổ chức thực hiện của tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, bất cập mà địa phương phản ánh đều là những ý kiến xác đáng. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn khảo sát tổng hợp, phục vụ công tác thẩm tra Dự án Luật Phòng thủ dân sự của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
Nguồn: thainguyen.gov.vn