Kết quả và giải pháp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố sông công

Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, công tác giám sát ngày càng hiệu quả, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt 95%; phối hợp tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, kỳ họp thứ nhất bầu bộ máy Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 và kỳ họp thứ hai để thông qua các nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thu hút được 17 dự án (03 dự án DDI, 04 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký trên 710 tỷ đồng và 48,3 triệu USD. Công tác đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được quan tâm. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyển biến tiến bộ. Công tác cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, chỉ số cải cách hành chính được cải thiện, 99,99% thủ tục hành chính được giải quyết đúng và trước thời hạn, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong 3 năm 2018, 2019, 2020, thành phố Sông Công đều đứng thứ nhất cấp huyện về chỉ số cải cách hành chính. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành được nâng cao, tổ chức hội nghị, phòng họp trực tuyến được kết nối từ thành phố tới 10/10 xã, phường.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được phát huy, gắn với triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân tham gia ủng hộ, hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và phòng chống dịch COVID-19. Đã quyên góp và tiếp nhận ủng hộ “Tuần lễ cao điểm Tết vì người nghèo năm 2021” được hơn 1,2 tỷ đồng và Quỹ “Phòng chống dịch COVID-19” bằng tiền mặt và hiện vật trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 06 nhà đại đoàn kết với số tiền 286 triệu đồng.

Cấp ủy đảng, chính quyền các xã, phường tổ chức cho nhân dân tham gia bàn và quyết định trực tiếp các vấn đề như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các đề án về xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới; khai thác các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa các chính sách hỗ trợ vay vốn, phát triển sản xuất, giảm nghèo; việc thu và quản lý sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động nhân dân đóng góp, chính sách hỗ trợ cho nhân dân...bảo đảm công khai, minh bạch. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở đã tích cực hoạt động, kịp thời phát hiện và kiến nghị với chính quyền địa phương khắc phục nhiều hạn chế, vướng mắc trong quản lý điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách ở địa phương, hòa giải kịp thời nhiều vướng mắc ngay tại cơ sở, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại địa bàn xóm, tổ dân phố. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống; công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân được thực hiện thường xuyên, việc tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được quan tâm hơn trước, qua đó đã tạo động lực để khơi dậy sức mạnh và các nguồn lực trong nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời; nơi thực hiện còn mang tính hình thức. Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một số xã, phường hoạt động chưa tích cực, hiệu quả chưa cao. Một số thành viên Ban chỉ đạo chưa dành nhiều thời gian cho công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ. Phong cách, lề lối làm việc của một số cán bộ, công chức nhà nước chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Việc công khai các nội dung liên quan có lúc còn chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở một số địa phương còn hình thức, chưa hiệu quả. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế…

Để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thời gian tới thành phố tập trung chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về quy chế dân chủ; để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng, bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực cho các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tham gia xây dựng thành phố Sông Công ngày càng phát triển.

2. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; công khai minh bạch các quy định, quy trình, cơ chế, chính sách; nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường việc tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại, quan tâm giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các “điểm nóng”, vụ việc phức tạp, kéo dài.

4. Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo đảm anh sinh xã hội. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; phải phát huy tính tiên phong, gương mẫu thực hiện quy chế dân chủ, tạo niềm tin trong nhân dân.

5. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp nhân dân thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ và quyền dân chủ trực tiếp của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

6. Kịp thời củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hoà giải ở cơ sở. Đưa kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở làm tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua hằng năm của từng địa phương, đơn vị.


Tin tức nổi bật